Hiểu đúng bán hàng đa cấp chân chính

Bán hàng đa cấp (BHĐC) trước tới nay đều bị gắn với nhiều điều tiếng, tuy nhiên trên thế giới mô hình này được xem là phương thức kinh doanh hiệu quả. Ở Việt Nam trong vòng vây của BHĐC trá hình vẫn có những mô hình BHĐC chân chính.

Nhìn nhận đúng về BHĐC

Ông Phạm Quốc Toàn - Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Nhận định tại tọa đàm “Truyền thông với bán hàng đa cấp Việt Nam” tại TP.HCM, ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cho rằng BHĐC cũng là một phương thức bán hàng như các phương thức truyền thống khác. Tuy nhiên, cũng cần phân biệt BHĐC chân chính và bất chính.

Những điểm để nhận diện này đã được nhấn mạnh khá rõ trong nghị định mới nhất của Chính phủ về BHĐC, tức Nghị định 42 năm 2014. Nghị định này thay thế Nghị định 110 năm 2005 và sẽ có hiệu lực vào tháng 7 năm nay.

Thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, hiện số lượng doanh nghiệp BHĐC đã tăng vọt, từ 13 doanh nghiệp năm 2007 lên 102 doanh nghiệp vào năm 2013. Phần lớn các doanh nghiệp BHĐC tập trung tại Hà Nội và TP.HCM. Toàn quốc có hơn 1,2 triệu người tham gia vào mạng lưới BHĐC với hơn 7.000 mặt hàng, trong đó thực phẩm chức năng chiếm đến 90%.

Doanh thu BHĐC năm 2013 đạt gần 6.450 tỉ đồng. Tổng số thuế mà doanh nghiệp BHĐC nộp ngân sách là hơn 1.130 tỉ đồng.

Phát biểu với tư cách đơn vị tổ chức tọa đàm, ông Võ Đan Mạch - Tổng Thư ký Hiệp Hội Bán hàng đa cấp Việt Nam - cho biết, BHĐC đã hình thành và phát triển gần 100 năm và được áp dụng trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, BHĐC có hơn 12 năm hình thành cùng với sự ra đời của hiệp hội vào năm 2009. Xét trên góc độ kinh tế, BHĐC mang lại những đóng góp không nhỏ trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn hiện nay. Chỉ số bán lẻ tăng trưởng với tỉ lệ cao và góp phần tạo thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, hình ảnh của BHĐC trong nhìn nhận đánh giá của người dân, trong đó có cơ quan truyền thông còn chưa thật đầy đủ so với bản chất của loại hình này. Vẫn còn rất nhiều hạn chế trong công tác phối hợp với cơ quan truyền thông trong việc thông tin đa chiều về BHĐC so với thực tế phát triển và chuyển biến nhanh của ngành.

Trong gần 5 năm qua, hiệp hội đã cố gắng đưa hoạt động của các doanh nghiệp BHĐC vào nề nếp theo đúng quy định của pháp luật và điều lệ của hiệp hội. Hiệp hội cũng mong muốn Bộ Công Thương và sở công thương các tỉnh thành tăng cường hoạt động quản lý thông qua việc siết chặt các chính sách, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm liên quan BHĐC.

Nhận diện BHĐC bất chính

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, các dấu hiệu sau đây xác định hoạt động BHĐC bất chính:

- Yêu cầu người tham gia đặt cọc và phải mua lượng hàng hóa ban đầu hoặc trả tiền để tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

-  Không cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật qui định và không cam kết mua lại với giá tối thiểu là 90% mức đã bán.

- Cho hưởng lợi ích kinh tế chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới.

- Thông tin sai lệch về lợi ích tham gia mạng lưới và hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp.

- Lợi nhuận không phát sinh từ việc bán hàng mà chủ yếu từ việc tuyển dụng người tham gia.

- Không quan tâm tới hàng hóa hoặc hàng hóa chỉ để tượng trưng, không có giá trị sử dụng như mong muốn và khó tìm thấy để so sánh trên thị trường.

- Khuyến khích, dạy người khác tuyển người bằng việc hứa trả tiền thưởng.

- Buộc và hối thúc người khác tham gia mua hàng mặc dù biết không bán được hàng gây rối người tiêu dùng

Việt Dũng/ Vietnamnet