Thời gian qua, việc nhiều công ty đa cấp lợi dụng sự nhẹ dạ của sinh viên để dụ dỗ tham gia, khiến nhiều sinh viên điêu đứng vì mất tiền bạc. Trước sự đề phòng của sinh viên, các công ty đã thay đổi cả phương thức hoạt động, cũng như cách tiếp cận “con mồi”….
Sinh viên nên cẩn trọng khi tìm việc làm thêm (nguồn ảnh: Báo Tuổi trẻ)
Dạo quanh một vòng qua các ngã tư hay chỉ cần lên google nhập từ khóa “việc làm dành cho sinh viên” lập tức sẽ tràn ngập những thông tin tuyển dụng như: Cần tìm gấp trên 100 sinh viên làm nhân viên kinh doanh, không cần kinh nghiệm, lương khởi điểm từ 1,8 – 3,5 triệu/ tháng”. Đây là một trong những chiêu thức được các công ty bán hàng đa cấp trá hình sử dụng để nhằm dụ dỗ và lôi kéo những sinh viên khó khăn hay có mong muốn tự lập sớm vào “vòng xoáy” vô cùng “hấp dẫn” này.
Thực tế, bán hàng đa cấp là một phương thức tiếp thị để bán lẻ hàng hoá, dành riêng cho hoạt động tiếp thị trên thị trường hàng hoá chứ không dành cho thị trường dịch vụ. Bán hàng đa cấp là một hình thức kinh doanh tiến bộ được Pháp luật cho phép. Tuy nhiên khi du nhập vào Việt Nam, hình thức này đã bị một số công ty lợi dụng để biến thành trò lừa đảo có quy mô lớn, khiến cho bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân đặc biệt là sinh viên, bà nội trợ, người đang thiếu công ăn việc làm…
Thời gian gần đây, Phòng Công tác Chính trị - Sinh viên, Văn phòng Đoàn thanh niên, liên tục nhận được nhiều thông tin phản hồi từ phía sinh viên về việc bị lừa vào đường dây bán hàng đa cấp và mất trắng khoản tiền đã “đầu tư”.
Tờ rơi tuyển dụng thường ưu tiên sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai (Nguồn internet)
Cụ thể như sau: Gia đình chu cấp tiền đóng học phí, khi bạn bè hoặc người quen giới thiệu bán hàng đa cấp, nhiều bạn sinh viên đã sẵn sàng sử dụng số tiền này mua một số sản phẩm được chỉ định để được trở thành nhân viên chính thức và bắt đầu thực hiện hành vi lôi kéo những người bạn khác tham gia. Nhiều sinh viên sau khi nhận ra cách thức làm ăn bất chính này (lấy tiền người dưới trả tiền người trên) đã liên hệ với công ty xin rút lại tiền nhưng đều bị từ chối hoặc sử dụng hành vi côn đồ trấn áp yêu cầu chính đáng trên.
Đặc biệt, thời gian gần đây bảo vệ Trường liên tục phát hiện nhiều trường hợp đang thực hiện hành vi tư vấn, lôi kéo sinh viên TGU tham gia vào đường dây bán hàng đa cấp. Lợi ích đâu chưa thấy chỉ biết muốn nhận được những khoản tiền “béo bở” hứa hẹn trong tương lai, sinh viên đã phải móc tiền túi hay tiền dự định đóng học phí để làm phí đào tạo hay phí đặt cọc và sau đó thực hiện lại đúng quy trình mà mình đã được tư vấn để lôi kéo bạn bè và người thân vào cuộc. Cuối cùng, tiền mất tật mang, số tiền đã ra đi không bao giờ quay trở lại vì các công ty này đều có hợp đồng quy định vô cùng chặt chẽ, sinh viên chỉ còn biết “ngậm bồ hòn” không dám nói cùng ai.
Những năm gần đây, cụm từ “kinh doanh đa cấp”, “kinh doanh theo mạng”, “hoa hồng”, “phần trăm”, “tuyến dưới”… đã trở nên quá quen thuộc trong giới sinh viên, cử nhân, kỹ sư có mong muốn làm giàu 1 cách nhanh chóng.
Một số hình thức bán hàng đa cấp biến tướng phổ biến trong sinh viên hiện nay: Tuyển nhân viên nạp tiền điện thoại khiến không ít các bạn sinh viên bị “sập bẫy”. Mỗi nhân viên khi mới vào phải đóng 100.000 đồng tiền hồ sơ. Mỗi tháng sẽ nhận lương là 2 triệu đồng nhưng phải thỏa mãn những điều kiện rất gắt gao. Thứ nhất, phải đạt doanh thu nạp card ít nhất 1 triệu đồng/tháng. Số tiền này phải được nộp trước vào đầu mỗi tháng, dùng làm tài khoản của mình để nạp tiền cho khách. Thứ hai, mỗi tháng phải giới thiệu 5 người đến xin việc, đồng thời, chịu trách nhiệm thu mỗi người ít nhất 1 triệu đồng tiền nạp cho khách và nộp lại cho công ty.
Dựa trên nguyên tắc dùng người quen lôi kéo người quen, cách thức này đánh động vào tâm lý tạo sự an tâm, tin tưởng. Đồng thời quy chế mức lương và sự nâng cấp cấp bậc đơn giản: lôi kéo được càng nhiều người sẽ được cấp bậc và lương bổng càng cao. Đây chính là điểm nhấn được các công ty bán hàng đa cấp sử dụng, dẫn đến số người bị lừa và lôi kéo vào hệ thống này liên tục tăng lên theo cấp số nhân. Khi phát hiện bị lừa hay không muốn tiếp tục tham gia, người bị lôi kéo không có cơ hội được hoàn trả tiền và phải chịu mất trắng khoảng tiền đã nộp vào trước đó.
Trong các "nạn nhân" của bán hàng đa cấp, có không ít sinh viên
Để tìm được một công việc làm thêm an toàn và phù hợp, các bạn sinh viên nên cẩn trọng tìm hiểu trước khi quyết định. Tất cả các bạn sinh viên TGU có thể liên hệ trực tiếp tại: Trung tâm Hỗ trợ sinh viên & Quan hệ Doanh nghiệp và giảng viên cố vấn để được tư vấn và giới thiệu việc làm. Khi phát hiện hành vi bán hàng đa cấp trong phạm vi Nhà trường cần báo ngay để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Tường Minh/ ĐH Tiền Giang
0 nhận xét:
Đăng nhận xét