Thực phẩm chức năng - cần gỡ bỏ tấm áo 'sang chảnh'

Không thể phủ nhận tác dụng tuyệt vời của nhiều loại thực phẩm chức năng đối với cơ thể con người. Tuy nhiên,  vẫn còn nhiều định kiến khiến người tiêu dùng Việt Nam e dè với loại sản phẩm này.


Theo PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF), Ủy thường trực Hiệp hội thực phẩm chức năng ASEAN, cần phá vỡ những định kiến đó để người tiêu dùng (NTD) có thể được tiếp cận nhiều hơn với dòng sản phẩm nhiều ưu việt này.
Thưa ông, trên thị trường hiện có rất nhiều loại thực phẩm chức năng (TPCN) giá không hề rẻ. Dường như nó vẫn là sản phẩm xa  xỉ đối với nhiều NTD thì phải?

Không hề xa xỉ! Thực ra có nhiều loại TPCN giá rất rẻ. Như TPCN sản xuất trong nước, hay một số sản phẩm nhập khẩu từ Nga. Hiện trên thị trường Việt Nam có 6.668 loại TPCN, trong đó sản xuất trong nước tụt xuống 19,45%. Trước đây sản xuất trong nước chiếm tới 56%...

Vậy tại sao có sự sụt giảm mạnh như vậy thưa ông?

Tôi cũng rất bất ngờ. Số lượng NTD TPCN thì tăng lên nhưng sản xuất trong nước thì sụt giảm. Theo tôi có hai nguyên nhân chính đó là, chưa có luật pháp quản lý, dân không tin dùng, không phát triển được. Bao nhiêu năm mà chỉ duy nhất có Thông tư số 08/TT-BYT ngày 23/8/2004 của Bộ Y tế về việc “Hướng dẫn việc quản lý các sản phẩm TPCN”. 

Tiêu chuẩn cũng chưa có, người sản xuất, sản xuất và sản phẩm một cách tuỳ tiện, thành phần nào cũng được, thậm chí cả chất cấm và tân dược... NTD chẳng biết sản phẩm nào đạt tiêu chuẩn để lựa chọn cho phù hợp. Hơn nữa Việt Nam vẫn chưa đánh giá được nguy cơ độc hại của TPCN, không có thử nghiệm lâm sàng, chỉ dựa vào kinh nghiệm truyền thống rồi cho công bố. 

PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam 

Nhiều sản phẩm được công bố như “thần dược” tác dụng chữa “tận gốc”, hiệu quả cả với trẻ em dưới 2 tuổi (điểm này cấm ở trên thế giới), nhưng thực tế dùng không có hiệu quả, NTD mất lòng tin, quay lưng với TPCN sản xuất trong nước. Mọi người có xu hướng sử dụng TPCN nhập khẩu có chất lượng và hiệu quả hơn.

Thực tế, có những loại TPCN giá nhập khẩu không hề cao nhưng đến tay NTD giá bị đội lên rất nhiều, nhất là qua kênh bán hàng đa cấp?

Đó chỉ là trường hợp cá biệt. Giá cả do thị trường quyết định, Hiệp hội TPCN không can thiệp… Song nói giá đội lên do bán hàng đa cấp là không chính xác...

Không phải tất cả, song nhiều loại TPCN chỉ phân phối qua kênh bán hàng đa cấp và  giá cả bị thổi phồng. Và dường như ở Việt Nam phương thức kinh doanh này gần như đồng nghĩa với lừa đảo?

Đó là cách hiểu sai. Bán hàng đa cấp được phát hiện từ năm 1934 ở Mỹ. Giờ đây, ở hầu khắp các nước, bán hàng đa cấp được luật pháp công nhận, là loại hình thương mại có ưu việt khi tư vấn trực tiếp cho NTD. Người Mỹ, người Nhật, cứ 100 gia đình thì 80- 90 % dùng hàng theo kênh phân phối  đa cấp. Tôi cũng dùng sản phẩm phân phối qua công ty đa cấp đấy chứ. Tốt, thuận tiện. Ở Việt Nam, Luật Cạnh tranh và Nghị định 110 đã cho phép hình thức này. Đáng tiếc, một vài cá nhân thổi phồng tác dụng của sản phẩm và đó là bán hàng đa cấp bất chính.

Thay vì mỗi Doanh nghiệp TPCN có kênh phân phối riêng, tại sao không tổ chức một kênh phân phối chung cho TPCN  để giảm chi phí lưu thông và người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn hơn? 

Có rồi đấy chứ, nhưng mới ở Hà Nội và TP. HCM. Đó là hệ thống Lohha (Thuộc hệ thống của Hiệp hội chỉ đạo). Phân phối hàng hoá theo kênh nào là do thị trường quyết định trên cơ sở luật pháp cho phép.

Trong một Hội thảo, ông có nói giá TPCN cao là do thuế nhập khẩu cao?

Có 3 yếu tố liên quan đến giá sản phẩm chứ không chỉ do thuế. Hoặc là nhà nước đánh thuế quá cao, 30- 40%. 100 đồng mà nộp thuế đến 30- 40 đồng thì là quá cao. Thứ hai, máy móc, công nghệ sản xuất cũng rất hiện đại, chi phí cũng tốn kém.  Thứ ba, lợi nhuận của các nhà bán hàng đều muốn thu được lớn. Ba cái đó cộng vào khiến cho giá thành cao…

Theo ông, để TPCN đến tay NTD với giá cả hợp lý, tức là giá không bị đội lên như thế, thì vai trò của Hiệp hội như thế nào?

Hiệp hội đã  làm hết sức rồi. Thứ nhất là tuyên truyền cho người dân hiểu. Thứ hai, áp dụng các tiêu chuẩn đối với TPCN để người dân tin. Tiêu chuẩn Hiệp hội đưa ra là phải 3P: Một, kiểm soát được nguồn nguyên liệu, mà nguồn nguyên liệu phải đạt được GAP; Hai, kiểm soát được trong chế biến là GMP; Ba, có thử nghiệm đánh giá hiệu quả GLP… 

Ông có lời khuyên nào cho người tiêu dùng không?

Hãy biết cách tự chăm sóc và bảo vệ sức khỏe khi còn đang khỏe. Hãy sử dụng TPCN hỗ trợ cho bữa ăn hằng ngày. Hãy là người tiêu dùng thông thái, mua và sử dụng TPCN phù hợp tình trạng sức khỏe, bệnh tật và của các hãng có uy tín,  được đánh giá tiêu chuẩn tại Cục An toàn vệ sinh thực phẩm.

Xin cám ơn ông! 

Theo Báo pháp luật