Một công ty có tên Macviet đã dụ nhiều sinh viên cầm bằng tốt nghiệp, CMND, thẻ sinh viên... để lấy tiền mua hàng của công ty kinh doanh đa cấp.
Giấy nhận tiền vay để “đóng tiền học” nhưng thực ra là vay lãi để mua thực phẩm chức năng của Macviet, cùng với bộ cẩm nang có tên báo Pháp luật VN ở vị trí cơ quan bảo trợ thông tin và truyền thông. Bộ cẩm nang này được Macviet bán cho nhà phân phối với giá 250.000đ/bộ - Ảnh: Nguyễn Khánh
Điều đáng nói là cả công ty chỉ có 4 mặt hàng nhưng 3 trong 4 sản phẩm này lại chẳng bán được cho ai.
Qua điện thoại, chị N.T.T ở phố Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội nức nở cho biết con gái chị nửa tháng nay gầy rộc, mất ăn mất ngủ không rõ lý do.
Bất ngờ sáng nay cháu nói: “Mẹ ơi cứu con”, gia đình tôi vội vàng hỏi chuyện thì biết cháu đã đem cầm bằng tốt nghiệp THPT để lấy 7 triệu đồng tham gia vào công ty có tên là Macviet để bán hàng đa cấp.
Sau khi vay, cứ 10 ngày cháu phải trả lãi 280 ngàn đồng và giờ đây nhiều bạn sinh viên đang phải nói dối cha mẹ và xoay tiền để trả lãi.
Cầm đồ để tham gia mạng lưới
Trong căn nhà nhỏ xíu, mẹ con chị T. bày ra bàn một chồng hồ sơ giấy tờ, trong số này tôi chú ý đến “Đơn đặt hàng” và Giấy nhận tiền từ hiệu cầm đồ của cháu P.K.N, con chị T, hiện đang là sinh viên một trường cao đẳng ở Hà Nội.
Theo cháu N., đầu tháng 6 vừa qua, bạn học cùng cấp 3 rủ cháu đi làm thêm, dẫn cháu đến trụ sở công ty Macviet ở khu đô thị Trung Hòa- Nhân Chính, Hà Nội. Tại đây, cháu được hai người nam giới thuyết trình rất nhiều về lợi ích khi tham gia làm nhà phân phối sản phẩm, như được nhận gian hàng tại siêu thị 360, có thu nhập cao từ việc mời được người cùng tham gia hệ thống…
Để cháu N. có tiền “đặt hàng” cho đơn hàng đầu tiên, 2 nam giới kể trên đã hướng dẫn N. đem cầm thẻ sinh viên, chứng minh nhân dân để vay tín chấp tại một hiệu cầm đồ ở khu vực phố Tạ Quang Bửu, Hà Nội.
Do cháu N. chưa có thẻ sinh viên nên hai người này đã đưa cháu về tận nhà để lấy bằng tốt nghiệp THPT đem cầm.
Tại hiệu cầm đồ, hai người nam giới đã hướng dẫn N. lưu một số điện thoại lạ của một phụ nữ tên Hà vào máy ở vị trí số điện thoại của mẹ cháu, và khi người chủ hiệu cầm đồ yêu cầu thì cháu phải gọi cho Hà để thông báo trưa nay không về ăn cơm, đồng thời đưa điện thoại cho người chủ hiệu nói chuyện xem có đồng ý cho “con” cầm bằng tốt nghiệp THPT lấy 7 triệu đồng để “đóng tiền học” hay không?
“Cô Hà đó nói đồng ý nên họ đã cho cháu vay 7 triệu đồng, nhưng trừ luôn 280.000đ tiền lãi của 10 ngày đầu tiên, và yêu cầu sau này cứ 10 ngày cháu phải trả lãi 280 ngàn đồng. Số tiền còn lại, hai người nam giới đó đã thu 6.450.000đ cho mục đích đặt hàng sản phẩm của công ty tên là Thymozin là 6.200.000đ, 250.000đ còn lại là tiền mua bộ cẩm nang và Thẻ nhà phân phối. Cháu có hỏi các anh ấy là công ty có nhiều sản phẩm như vậy tại sao không cho chọn mà bắt mua Thymozin, anh ấy nói nếu muốn chuyển sang sản phẩm giải rượu (một sản phẩm khác mà Macviet phân phối) thì phải đóng thêm 1.000.000đ. Cháu hỏi muốn bán Thymozin để lấy lại tiền thì bán ở đâu, các anh ấy nói cũng không biết bán ở đâu, mà mang về cho bố mẹ anh ấy uống thôi. Vì chưa biết bán Thymozin ở đâu nên cháu cũng chưa lấy hàng về”- N. cho biết.
Theo cháu N., hiện có rất nhiều sinh viên sinh các năm 1994-1995 bị dụ dỗ tham gia mạng lưới này. Ngay buổi sáng N. dẫn bạn đầu tiên đến “tham gia mạng lưới”, cháu đã thấy có 2 bạn sinh viên khác cũng sinh năm 1995 được đưa đi vay tiền từ hiệu cầm đồ tương tự.
“Họ luôn luôn muốn chúng cháu không được tiếp xúc với nhau, nhưng qua những lần ngắn ngủi trò chuyện với các bạn khác cùng đến công ty thì cháu biết họ đều chưa được lĩnh tiền công hoặc tiền dẫn người tham gia mạng lưới, mặc dù họ đã tham gia vào mạng lưới này trước cháu. Tất cả họ bây giờ đều rất lo lắng về việc cứ 10 ngày là phải xoay 280.000đ để trả lãi cho hiệu cầm đồ, chưa kể số vốn 7 triệu ban đầu vẫn còn đó”- N. cho biết thêm.
Sai quy định kinh doanh đa cấp
Qua tìm hiểu của chúng tôi, Macviet là công ty bán hàng đa cấp được thành lập tháng 8-2012, chủ sở hữu và đại diện theo pháp luật của công ty là Huỳnh Trọng Nghĩa, 24 tuổi, hộ khẩu thường trú ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Tuy nhiên mục tiêu của công ty thì rất lớn: Đạt 1 triệu nhà phân phối và trở thành doanh nghiệp đứng trong top 10 công ty bán hàng đa cấp khu vực châu Á vào năm 2020. Tuy nhiên, xem danh mục sản phẩm của công ty, chúng tôi rất bất ngờ khi thấy một doanh nghiệp có mục tiêu tầm cỡ như vậy lại chỉ phân phối vỏn vẹn 4 sản phẩm, gồm Thymozin, Giải rượu MV, Hequyn và Thủ ô Diên Xuân, tất cả đều là thực phẩm chức năng.
Theo cháu N., trong số sản phẩm này chỉ có giải rượu MV là có thể bán tại các quán rượu, còn lại “nhà phân phối” đã đặt hàng thì chỉ có thể đem về cho người nhà dùng chứ chưa bán được cho ai.
Theo bạn Nguyễn Minh Thảo, sinh năm 1995, người từng đến công ty Macviet để làm nhà phân phối và cũng suýt “sập bẫy”, các tư vấn của công ty có nhiều yêu cầu kỳ quặc đã khiến bạn khóc luôn tại buổi đầu tiên đến công ty, như yêu cầu luôn nhìn thẳng vào tư vấn viên, để điện thoại ở chế độ im lặng hoặc tắt điện thoại.
Thảo cho biết khi các tư vấn viên yêu cầu bạn đặt thẻ sinh viên, chứng minh nhân dân để “vay tín chấp” thì Thảo đề nghị thay bằng điện thoại, vì chứng minh thư còn cần sử dụng để vào phòng thi và thời điểm tháng 6 này đang là mùa thi học kỳ. “Các anh ấy khuyên em nên đặt chứng minh nhân dân vì điện thoại còn thường xuyên sử dụng để liên lạc. Ngày nào thi có thể đến mượn chứng minh đi thi rồi đem trả lại cho hiệu cầm đồ cũng không sao”- Thảo cho biết.
Theo quy định về bán hàng đa cấp vừa được Chính phủ ban hành (nghị định 42/2014), doanh nghiệp muốn bán hàng đa cấp không được yêu cầu người tham gia đặt cọc hoặc đóng tiền dưới bất kỳ hình thức nào, không được kinh doanh theo mô hình kim tự tháp hoặc yêu cầu người tham gia mua hàng hóa…
Tuy nhiên khi vào trang Macviet.vn, trang chủ của công ty này, chúng tôi thấy ngay “cây” nhà phân phối mô hình kim tự tháp. Đồng thời công ty đã làm sai quy định khi ngay từ ngày đầu tiên “nhà phân phối” đến đã bị yêu cầu nộp khoản tiền trên 6 triệu đồng để mua hàng, mua cẩm nang. Đó là chưa kể nguồn gốc số tiền này là bắt các bạn sinh viên chưa đem cầm tất cả giấy tờ cá nhân bản gốc để vay tiền và hy vọng về một khoản tiền “khổng lồ” sẽ có từ cây các nhà phân phối mà họ huy động được.
Lợi dụng hình ảnh và danh nghĩa của báo Pháp luật VN
Đây là ý kiến của ông Nguyễn Xuân Bính, Trưởng ban trị sự Báo Pháp luật Việt Nam về việc công ty Macviet in tên của báo ở vị trí cơ quan bảo trợ thông tin và truyền thông, trên toàn bộ cẩm nang dùng để bán cho nhà phân phối.Theo ông Bính, khoảng tháng 3-2014, báo Pháp luật Việt Nam có hợp tác với công ty Macviet trong chương trình “Xóa mù pháp luật cho người nghèo”, cụ thể là Macviet sẽ chi 50 triệu đồng mua báo Pháp luật Việt Nam tặng người nghèo, công ty này cũng đã chuyển 25 triệu đồng cho báo Pháp luật Việt Nam.“Nhưng đầu tháng 4-2014, chúng tôi phát hiện thấy tên báo Pháp luật Việt Nam trên logo của một hội thảo dành cho nhà phân phối của công ty Thăng Long, cùng có nhân sự lãnh đạo như Macviet, do nhận thấy công ty đã thực hiện không đúng hợp đồng, tùy tiện sử dụng logo, tên báo Pháp luật Việt Nam, ảnh hưởng lợi ích của báo và đã có văn bản đơn phương chấm dứt hợp đồng từ 15-4. Tuy nhiên đến nay công ty vẫn tiếp tục sử dụng tên, logo, danh nghĩa của báo Pháp luật VN, chúng tôi sẽ có tiếp một văn bản yêu cầu công ty dừng lưu hành toàn bộ giấy tờ có sử dụng tên, logo của báo, nếu công ty không chấp hành, chúng tôi sẽ mời cơ quan pháp luật vào cuộc” - ông Bính cho biết.
Lan Anh/ Báo Tuổi Trẻ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét