Thêm công cụ pháp lý trong quản lý bán hàng đa cấp

Ngày 25/7/2014, tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp cùng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương tổ chức tọa đàm “Hành lang pháp lý trong ngành bán hàng đa cấp”.


Tọa đàm làm rõ những nội dung khác nhau cơ bản của Nghị định 110/2005/NĐ-CP năm 2005 và Nghị định 42/2014/NĐ-CP năm 2014; phân tích, phản biện làm rõ những nội dung cơ bản của Nghị định 42/2014/ NĐ-CP.

Ông Phạm Quốc Toà - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam- cho biết, bán hàng đa cấp là phương thức bán hàng tiên tiến, phục vụ khách hàng tiện lợi, hiệu quả đã tồn tại và phát triển 8 thập niên nay trên nhiều quốc gia ở các châu lục. Ở Việt Nam ngành bán hàng đa cấp tồn tại, phát triển gần 15 năm nay, đem lại nhiều hiệu quả về kinh t - xã hội. 67 doanh nghiệp kinh doanh hàng đa cấp đang hoạt động, phát triển, thu hút gần 1,2 triệu người lao động tham gia. Một số doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài  thuộc ngành bán hàng đa cấp tham gia nhiều hoạt động từ thiện xã hội, được cộng đồng ghi nhận hoan nghênh. Tuy nhiên, ngành bán hàng đa cấp cũng đã bộc lộ nhiều yếu kém, có không ít sai phạm, thậm chí vi phạm pháp luật.

Theo ông Phạm Quốc Toàn, Nghị định 110/2005/NĐ-CP ra đời cách đây gần 10 năm, nhiều điểm không còn phù hợp với thực tiễn và sự phát triển của ngành bán hàng đa cấp. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương, cơ quan quản lý nhà nước ngành bán hàng đa cấp, đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một Nghị định mới- Nghị định 42/2014/NĐCP ngày 14/5/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014, thay thế Nghị định 110/2005/NĐ-CP. 

Tại buổi tọa đàm, ông Phan Đức Quế- Trưởng Phòng điều tra xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương)- đã giới thiệu những điểm mới của Nghị định 42. Điểm mới của Nghị định này là quy định vốn pháp định của doanh nghiệp bán hàng đa cấp là 10 tỷ đồng; tăng số tiền ký quỹ tối thiểu lên 5 tỷ đồng thay vì 1 tỷ đồng như trước đây. Bên cạnh đó một điểm mới đáng chú ý của Nghị định 42 là quy định về thay đổi về cơ quan chứng nhận đang ký bán hàng đa cấp. Trước đây là Sở Công Thương thì nay sẽ do Bộ Công Thương cấp. Ngoài ra, Nghị định 42 cũng đưa ra các quy định chi tiết đối với các đào tạo viên – là người đào tạo cho người bán hàng đa cấp. Chỉ những người được cấp phép chứng chỉ đào tạo viên của Bộ Công Thương mới được đào tạo người bán hàng đa cấp.

Trong phần tọa đàm, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Bạch Văn Mừng đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến việc áp dụng Nghị định 42 trong thực tiễn.

Đánh giá về tính khả thi của các quy định mới, ông Bạch Văn Mừng cho rằng, Nghị định 42 được xây dựng nhằm giúp các doanh nghiệp chân chính có cơ hội kinh doanh; những doanh nghiệp không chân chính bị đào thải và người tiêu dùng mua hàng được bảo hộ. Tuy nhiên, để Nghị định phát huy, đi vào cuộc sống thì cần phải có sự trợ giúp của nhiều cơ quan ban ngành, nhất là các cơ quan truyền thông để cho người tiêu dùng hiểu được hết các nội dung của Nghị định.

Ông Mừng cũng thông tin thêm là để Nghị định 42 sớm đi vào cuộc sống, ngay trong tuần tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ ký ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung cơ bản của Nghị định 42.

Liên quan đến việc “định biên” các doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động theo Nghị định 42, ông Bạch Văn Mừng cho biết, thời hạn cuối cùng để doanh nghiệp đổi giấy phép đến ngày 31/12/2014. Đến thời điểm này chưa có doanh nghiệp nào gửi giấy ra để đổi giấy phép mới nên cơ quan quản lý chưa thống kê được số lượng  doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện của Nghị định 42. Dự kiến đến cuối năm 2014, mới thống kê được doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động. Sắp tới, cơ quan quản lý cạnh tranh sẽ có một trang website công bố đầy đủ doanh nghiệp nào, buôn bán mặt hàng nào để báo chí và người tiêu dùng giám sát.

Từ góc độ nhà quản lý, bà Đặng Thị Vân An- Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông)- nhìn nhận một thực tế là, trong quá trình bán hàng đa cấp, một số người bán đã thổi phồng sự thật, một số người bán “biến tướng” khi nói về sản phẩm. Cũng vì thế nên một số phương tiện thông tin đại chúng dùng những từ nặng nề cho bán hàng đa cấp.

Tuy nhiên, cũng cần nói rằng bản chất của bán hàng đa cấp không phải là xấu. Nếu bán hàng chân chính, sản phẩm tốt thì được người tiêu dùng tin tưởng, truyền thông sẽ tuyên truyền, ủng hộ. Ngược lại, những doanh nghiệp không tốt thì báo chí phải phản ảnh, lên án. Bà Đặng Thị Vân An đánh giá, Nghị định 42 là cơ hội cho những doanh nghiệp dân chính.

Là đại diện cho một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này, ông How Kam Chiong- Tổng giám đốc công ty TNHH Amway Việt Nam- cho rằng, Nghị định 42 là một thách thức nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính phát triển. Theo ông How Kam Chiong, các DN trong lĩnh vực này rất quan tâm đến quy định mới của Nghị định 42 về đào tạo viên khi đào tạo những người mới tham gia vào bán hàng đa cấp. Đây cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp đào tạo lại các đào tạo viên, để hộ nâng cao kiến thức về các quy định của ngành cũng như các quy định của pháp luật.

Tổng kết buổi tọa đàm, ông Phạm Quốc Toàn - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - cho biết Nghị định 42 có những điểm mới và chặt chẽ hơn. Khi áp dụng Nghị định 42, việc đăng ký lại doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẽ có nhiều thay đổi. Những doanh nghiệp làm ăn không bài bản sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Quang Lộc/ Báo Công Thương