Vấn nạn bán hàng đa cấp

Với chiêu bài đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền nhanh và nhiều, mà chỉ phải bỏ vốn ít, các công ty bán hàng đa cấp đã dụ được đông đảo người tham gia, hình thành mạng lưới bán hàng đa cấp từ thành thị đến nông thôn. 

Ảnh minh họa

Bằng thủ đoạn lừa đảo người tham gia dưới hình thức tự kinh doanh, phát triển nhiều người trong mạng lưới, nhiều công ty đa cấp đã thu lợi nhuận khổng lồ. Mặc dù đã có nhiều phương tiện thông tin cảnh báo và cũng đã có một số công ty kinh doanh đa cấp bị pháp luật trừng trị nhưng do nhận thức kém, vẫn có nhiều người “mắc bẫy” và trở thành nạn nhân của tệ nạn này.

Sập bẫy vì lòng tham

Bán hàng đa cấp (tên gọi thông dụng tại Việt Nam) hay kinh doanh đa cấp là thuật ngữ chung dùng để chỉ một phương thức kinh doanh sản phẩm. Phương thức này  tận dụng chính thói quen của người tiêu dùng: khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ tốt thường đem chia sẻ cho người thân, bạn bè và những người xung quanh. Ở nước ngoài, kinh doanh hàng đa cấp là một phương thức kinh doanh tiến bộ, hiện đại và rất phát triển nhưng khi về Việt Nam loại hình kinh doanh này lại bị biến tướng gắn với sự lừa đảo, tai tiếng.

Tại Việt Nam, nhiều công ty đa cấp không quan tâm đến việc đầu tư cho sản phẩm mà lại chú trọng… đánh vào lòng tham của đa số dân chúng. Làm giàu và làm giàu thật nhanh, thật dễ dàng mà không mất công sức gì luôn là khẩu hiệu được những thủ lĩnh tiêm nhiễm cho các tân binh khi gia nhập. Và cứ thế, nạn nhân này lại tiếp tay cho chúng để lừa nạn nhân khác.

Để làm được điều đó, các nhân viên tập đoàn đa cấp cần có tài ăn nói và khi tiếp xúc, phải “vẽ” ra cho người tham gia một tương lai màu hồng, một công việc có thu nhập “khủng”. Họ không giới thiệu về sản phẩm mới hay các tính năng ưu việt, mà quan trọng nhất là phần giới thiệu về các tấm gương làm giàu nhanh chóng sau khi mới vào công ty được vài tháng.

Từ những người ở quê ra tỉnh, họ nhanh chóng trở thành những người thành đạt trong xã hội với mức thu nhập lên tới vài nghìn USD một tháng. Những ai đã từng tham gia những buổi diễn thuyết để lôi kéo thêm người của các công ty đa cấp mới thấy sức mê hoặc khủng khiếp từ lời nói của các "chuyên gia" này.

Mặt khác, lợi nhuận không đến từ việc bán sản phẩm mà đến từ việc lôi kéo được nhiều người tham gia bán hàng. Đây chính là điểm khác nhất giữa bán hàng đa cấp ở Việt Nam so với các quốc gia khác. Các công ty đa cấp ở Việt Nam chỉ cần nhiều người tham gia mạng lưới là được. Khi mới tham gia thì họ sẽ bắt nộp tiền ký quỹ và các loại lệ phí tham gia. Đây chính là thu nhập nuôi sống các công ty đa cấp chứ không phải doanh số bán hàng. Nếu muốn có tiền hoa hồng thì chỉ có bằng mọi cách lôi kéo được những người khác cùng tham gia với mình để tạo thành cả hệ thống “bầy đàn” đa cấp.

Đối tượng đa cấp hướng đến thường là các bạn sinh viên của các trường đại học, cao đẳng, nhất là sinh viên năm thứ nhất. Bởi lẽ, những “gà” này vừa chân ướt, chân ráo vào trường, chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc lôi kéo sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, không chỉ các bạn trẻ mà nhiều người đã có công việc ổn định vẫn tham gia các công ty đa cấp. Vì họ nghĩ chỉ cần tìm thấy mạng lưới của mình, mời người tham gia là có thể thu được lợi nhuận và làm giàu nhanh chóng.

Tiền mất mà... tật vẫn còn

Chị Thu (Đầm Trấu, Hà Nội), một nạn nhân của đa cấp cho biết: Do luôn mặc cảm với thân hình béo phì, bụng ngấn mỡ nên chị tham dự cuộc hội thảo của Công ty K-Link. Sau khi nghe buổi "thuyết giảng" của giáo viên tên Nam, và người tự xưng là giáo sư ở bệnh viện 103, Hà Nội, chị bị cuốn hút vào mê trận chất lượng sản phẩm. Kèm theo đó là những lời tư vấn như rót mật vào tai của một nhóm thành viên tư vấn về những tác dụng thần kỳ của sản phẩm K-Link như ngoài tác dụng thon gọn bụng, các sản phẩm này còn được quảng cáo giúp tránh mọi bệnh tật.

Với những lời tâng bốc về sản phẩm, chị đã không ngần ngại bỏ gần 2 triệu đồng mua ba hộp sản phẩm. Tuy nhiên khi về nhà, được thông tin từ một bác sĩ rằng sản phẩm trên không có tác dụng giảm béo như lời tư vấn viên, chị đem trả lại thì bị chính người tư vấn bán sản phẩm cho mình nói những lời khó nghe.

Đáng bực mình hơn, trước khi mua sản phẩm, tư vấn viên này đã cam kết sản phẩm nếu còn nguyên đai nguyên kiện sẽ được đổi trả trong 30 ngày với mức phí là 10% giá mua. Tuy nhiên, khi chị Thu mang trả lại hai hộp sản phẩm còn nguyên tem thì tư vấn viên đã quay ngược thái độ. Vừa mất tiền mua sản phẩm không có tác dụng lại gặp thái độ "trở mặt" nên chị Thu rất bức xúc.

Còn chị Hoa (Cầu Giấy) khẳng định: "Nhiều lần đến công ty và tham gia các lớp hội thảo, tôi thấy rất nhiều người mua sản phẩm. Tôi cũng "bập" ngay vào. Thế nhưng, sau nửa năm sử dụng, tốn hàng chục triệu đồng mà không thấy tác dụng thực tế, tôi thấy mình cần phải lên tiếng để giúp những người khác không bị mắc lừa".

Sau khi bị truyền thông phanh phui các chiêu thức làm ăn lừa đảo và phía cơ quan chức năng vào cuộc triệt phá, sau rất nhiều sự sụp đổ vì lừa dối khách hàng của các công ty kinh doanh theo mô hình đa cấp như MB24, Thiên Ngọc Minh Uy, Lô Hội, K-Link, World Nets Việt Nam... hình thức "mua bán niềm tin" này vẫn tồn tại, thậm chí nở rộ. Hơn nữa, nhiều sản phẩm được bán chưa được kiểm nghiệm về chất lượng là một cái bẫy rất nguy hiểm với khách hàng.

Thiết nghĩ, người tiêu dùng cần phải tỉnh táo, tự bảo vệ mình, không để kẻ xấu lợi dụng niềm tin để tránh mất tiền oan lại rước họa vào người. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần có những biện pháp xử lý nghiêm và mạnh tay hơn nữa để người dân không còn bị vướng vào "ma trận" sản phẩm bán hàng đa cấp.

PV (Thời báo ngân hàng)