Sự thật về 'Đại gia đình Vision' - Kỳ 2: Phanh phui những trò lừa đảo

Ngay khi kỳ 2 của loạt bài điều tra này đang chuẩn bị lên khuôn, thì chúng tôi được biết có khá nhiều lớp học của "đại gia đình Vision" vẫn đang được mở bất chấp công luận. Có khá nhiều học viên được hứa hẹn sẽ được đưa vào TP.Hồ Chí Minh để tham gia những khoá đào tạo đặc biệt.  Kỳ lạ thay các cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Công an... lại dường như không hề biết việc này.


Không trụ sở, không tư cách pháp nhân

Điều rất lạ lùng là một hãng được giới thiệu  có uy tín cao trên thế giới như vậy, nhưng lại có những hoạt động hết sức bí ẩn, hay nói một cách chính xác là hoàn toàn không minh bạch ở Việt Nam. Tất cả các học viên tham dự các lớp học để trở thành "nhà phân phối" của Vision đều không biết được trụ sở chính của hãng ở Việt Nam  ở đâu. Ngay như nhóm PV điều tra của báo Lao Động có thể thâm nhập vào khá nhiều đường dây bán hàng cũng như các lớp học, nhưng cũng không thể biết được trụ sở chính của Vision nằm ở xó xỉnh nào. Lần theo các đầu mối chúng tôi được biết Vision đã có lúc được một công ty có tên là Âu-Việt-Aẽ  (từng có văn phòng tại Đại học Văn hoá Hà Nội, ĐT: 5143012) làm đại diện. Tại TP.Hồ Chí Minh đại diện của Vision được đặt ở 109/9 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, nhưng khi phóng viên tìm đến địa chỉ này thì chỉ là một ngôi nhà cho thuê và chẳng có ai làm đại diện cả. Cách thức ký hợp đồng của Vison với "nhà phân phối" cũng hết sức kỳ lạ. Hợp đồng được in sẵn một cách quá đơn giản và đại diện Vision đã ký sẵn. Những người bán sản phẩm muốn trở thành nhân viên của Vision chỉ việc điền vào hợp đồng thế là xong. Thực ra đây chỉ là cách quản lý mã số người bán hàng giống như cách quản lý "thẻ nhân viên tiếp thị" mà Hãng Tianshi và một số hãng khác đang làm. Chẳng có gì ràng buộc về hợp đồng, vậy mà rất nhiều nhà phân phối cầm tờ giấy này như một thứ bảo bối để mở ra một cơ hội làm giàu nhanh chóng. Làm việc với Sở Thương mại và Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội, chúng tôi được biết ở Hà Nội chưa hề có một công ty nào có tên là Vision International People Group đăng ký hoạt động. Tiếp cận với một nhân viên bậc 2 tên N.T.L (người Phủ Lý - Nam Hà ) của đường dây này, chúng tôi được biết "ông Phong, người có danh thiếp là Phó Giám đốc của Công ty Âu-Việt-Aẽ đã đưa sản phẩm này về Việt Nam thông báo rằng tới tháng 11.2001 hãng mới bắt đầu khai trương văn phòng đại diện tại Hà Nội. Lớp học đang tạm thời được tổ chức khắp nơi, thậm chí nhà "sếp" Phong cũng được triệt để tận dụng tổ chức khoá học. Mạng của hãng đã phát triển rộng, mỗi tháng có từ 200 - 300 hợp đồng được chuyển sang Nga để mua sản phẩm. Thậm chí một số nhân viên trong mạng lưới đang được chọn lọc, tuyển lựa để đưa vào TP.Hồ Chí Minh để tham gia những khoá đào tạo đặc biệt. Để khuyến khích mở rộng mạng, trong tháng 6 và 7, sẽ có đợt khuyến mãi mua 5 bộ sản phẩm sẽ được thưởng một bộ  (trị giá 125USD/bộ)". Thấy chúng tôi còn băn khoăn về số tiền được ký hợp đồng những 500.000 đồng, chị L. dùng chiêu  lợi nhuận để hấp dẫn: "Bản hợp đồng này không thời hạn, có thể để thừa kế cho con cháu.  Còn thu nhập thì khỏi lo đi, mua một bộ sản phẩm là 125USD, em sẽ bán được 200USD, lãi suất cao tới gần 40%, nhân viên bậc 1 có thể thu nhập tới 20.000USD/tháng. Thu nhập cao, lại không bấp bênh đâu. Chị đã biết nhiều những người được nhiều tiền còn bỏ cả việc làm ở Nhà nước". 

"Thần dược" chỉ là  những chiếc kẹo bổ có mùi sôcôla

Quả thật những chiêu thức tiếp thị, lừa đảo kiểu Vision đã lừa được rất nhiều người. Danh sách mà chúng tôi có được những " nhà phân phối" của Vision cứ ngày một dài ra. Giáo viên, học sinh, sinh viên, sĩ quan quân đội, nông dân...đều trở thành nhà phân phối của Vision.  Cách thức chiêu mộ nhân viên của Vision cũng khá giống như chiêu thức của một số công ty lừa đảo theo hình thức "kinh doanh trên mạng" mà báo Lao Động đã nêu. Đầu tiên là họ tổ chức một số đường dây đi chào bán sản phẩm và rỉ tai nói về những ưu việt của sản phẩm với những lời chào mời cực kỳ hấp dẫn. Sau đó là tổ chức các lớp học về phân phối sản phẩm. Cuối cùng là bắt các nhân viên mua sản phẩm và trở thành "nhà phân phối"  của hãng. Rất nhiều người đã lỡ đâm lao phải theo lao dù biết là mình bị lừa. Một nhà phân phối tên H.A (Xuân Đỉnh, Hà Nội) kể với chúng tôi: "Em đã bỏ ra 4 triệu đồng để mua sản phẩm. Đến đòi lại họ không được vì họ nói là sản phẩm đã mua đứt rồi. Bán mãi chỉ được một ít, hôm trước em thử mở một hộp.  Thuốc thần dược gì mà chỉ như kẹo sôcôla". Được sự đồng ý của chị H.A, chúng tôi thử mở một hộp "thần dược" của Vision. Đúng là kẹo sôcôla thật. Ngay như  thành phần  ghi trên hộp cũng rất rõ: Vitamin A, B, C... một số chất khoáng rồi cacao, đường... chẳng có hoạt chất gì đặc biệt thế mà những người chào hàng vẫn gọi là thuốc chữa được bách bệnh và người mua thì cứ coi như "thần dược" có lọ thuốc đề bằng tiếng Nga: Dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi, kiểu như kẹo bổ ăn vào chóng lớn. Điều lạ lùng là có khá nhiều người vẫn tin như bị bỏ bùa mê. Mua về uống để chữa nào là đái đường, ung thư, suy thận, thấp khớp... mà không hề có chỉ định của y tế, có khám chữa và kê đơn. Việc mua bán thuốc có khi lên đến hàng triệu đồng nhưng không hề có hoá đơn tài chính. Để thêm tính chất ly kỳ, những thành viên trong đường dây lừa đảo của Vision còn thêm thắt: Sau khi ký hợp đồng, nộp tiền thì thuốc này mới được gửi từ bên Nga về theo đơn đặt hàng đặc biệt. Do vậy phải từ 15 ngày đến 1 tháng sau mới có thuốc. Chúng tôi không biết là những loại thuốc mà hàng trăm " nhà phân phối" bịp của Vision đi chào bán có được kiểm tra của các cơ quan y tế không, nhập qua hải quan bằng đường nào? 

Để làm rõ thêm về sự thật lừa đảo này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Viết Cường (Thanh tra Sở Y tế Hà Nội), ông Cường cho biết: Có nghe nói về hoạt động của Vision tại Việt Nam, nhưng thực chất thế nào thì chưa nắm được rõ. Khi chúng tôi hỏi: Vậy họ bán sản phẩm hoàn toàn dưới dạng thuốc như vậy có bị coi là bất hợp pháp không, ông Cường cho biết: Cái gì mà không có đăng ký với cơ quan dược mà bán như dạng thuốc là bất hợp pháp. Ngay cả việc tổ chức các lớp học cũng là bất hợp pháp. Vậy mà hàng trăm lớp học như vậy đã được mở trên diện rộng khắp từ Nam ra Bắc. Không những thế, đường dây Vision còn in và sang rất nhiều băng video nói về hoạt động của công ty về hình thức kinh doanh trên mạng, bán sản phẩm kèm theo rất nhiều ảnh gửi cho các "nhà phân phối" trong đó nói về việc " tại Nga đại gia đình Vision phải chứng tỏ sức mạnh của mình bằng việc xây dựng tổ chức lớn mạnh, thậm chí tham gia vào Nghị viện Nga...". Vậy liệu có chắc chắn rằng những đường dây như vậy không mang màu sắc chính trị ở Việt Nam? Vậy mà các cơ quan chức năng lại không hay biết gì. Kể cũng lạ.

Đức Trung - Nguyễn Hằng/ Báo Lao Động thực hiện ngày 27.06.2001