'Vòi bạch tuộc' bán hàng đa cấp

Bán hàng đa cấp không còn là khái niệm mới mẻ với Việt Nam. Nhiều cảnh báo đã được đưa ra. Nhưng nó vẫn đang lan rộng trong xã hội, bủa vây nhiều gia đình. Sức sống mãnh liệt của nó có lẽ xuất phát từ quyến rũ ma mị của đồng tiền. Một câu chuyện cảnh giác nhiều tập…

Mộng giàu nhanh!

Hồng, một nhân viên y tế rủ tôi: “Có người giới thiệu em học lớp này, nói nếu làm ăn mỗi tháng có thể kiếm được 20 – 30 triệu đồng như chơi. Anh thích thì theo em tìm hiểu”.

13 giờ 30 chiều thứ bảy 25-7-2015, trước cao ốc người ta rồng rắn xếp hàng vào học. Lớp học miễn phí, nhưng người mới học như Hồng và tôi phải được một nhân viên bán hàng dẫn vào.

Như để chứng minh khả năng thành công của cách kinh doanh này, tại khoảng sân phía trước người ta để sẵn vài chiếc xe Lamborghini và Porsche cáu cạnh. Ly, nhân viên bán hàng nói chắc nịch: “Đây là xe của những người thành đạt nhờ tham gia hệ thống bán hàng. Nếu quyết tâm làm giàu, tôi cam kết sau sáu tháng anh chị sẽ sở hữu những chiếc xe như thế!”


14 giờ, lớp học bắt đầu. Một MC nam tiến ra sân khấu trong tiếng nhạc xập xình mở hết công suất và tiếng vỗ tay rầm rập của học viên. Người MC hỏi: “Ai trong chúng ta muốn hạnh phúc thì giơ tay lên?” Bên dưới, gần như tất cả các cánh tay đồng loạt đưa lên.

MC nói tiếp: “Có nhiều cách để có hạnh phúc, nhưng ở đây chúng tôi giới thiệu cho các bạn một dự án mang lại hạnh phúc với chất lượng cuộc sống đỉnh cao. Dự án dựa trên ba nguyên tắc đơn giản: 100% sức khoẻ hoàn hảo, 100% tự do tài chính và 100% tự do thời gian”.

Để thuyết phục học viên, người ta giới thiệu một nhân vật thành đạt, tự xưng từng là giảng viên và trưởng phòng đào tạo một trường đại học ở quận Thủ Đức (?).

Người này kể: “Cách đây hai năm, cha tôi mắc bệnh não, thập tử nhất sinh, bác sĩ và bệnh viện chê. Nhưng nhờ sử dụng sản phẩm của công ty, ba tôi khỏe lại bình thường, từ đó tôi tâm niệm phải đưa sản phẩm đi giúp người (?). Mới tham gia kinh doanh được một năm, tôi đã được công ty thưởng cho đi nghỉ mát ở Hawaii và tiền bạc hàng ngày tự động chảy vào tài khoản dù tôi có đang ở đâu. Như thế tôi cứ vừa đi chơi lại vừa có tiền (?)”.

Bất hạnh não nề

Hồng về nhà, suốt một tuần sau đó Ly liên tục gọi vào máy động viên tham gia làm ăn. Hồng hỏi: “Công ty nói làm ăn không cần vốn, vậy tôi không có tiền giờ làm sao?” Ly trả lời: “Không sao, nhưng bắt buộc chị phải mua sản phẩm của công ty, một sản phẩm 10 triệu đồng và dùng ba tháng. Dùng xong, thấy hiệu quả chị lại giới thiệu cho người khác”.

Vậy là rõ, kiểu làm ăn này thực chất là kinh doanh đa cấp, còn sản phẩm của công ty U. là những loại thực phẩm chức năng vô thưởng vô phạt dành cho sức khoẻ. Cuối tuần qua, gặp Hồng, chị ngộ ra: “Em nghĩ lại rồi, có loại sản phẩm nào mà chữa lành bệnh não thập tử nhất sinh. Nếu có sản phẩm như thế, nhà sản xuất đã giành giải Nobel Y học và sản phẩm được bán trên khắp thế giới. May mà em không tham gia, nếu tham gia em cũng phải nói dóc để lừa gạt người khác. Lừa gạt người khác sao mình có hạnh phúc được”.

Nhưng không phải ai cũng tỉnh táo như Hồng. Liêm là một trường hợp khác. Đường đường là bác sĩ, phó khoa của một bệnh viện lớn tại Gia Lai, nhưng anh lại bỏ công việc chạy xuống TP.HCM để bán thực phẩm chức năng cho công ty bán hàng đa cấp A.

Tìm hiểu sự tình mới biết, trước đây trong khi làm việc Liêm tình cờ quen một phụ nữ bán hàng cho công ty này. Nghe người này rủ rê, Liêm bỏ vợ con, đi phương xa làm giàu. Chẳng biết giờ này Liêm có giàu hơn trước không, chỉ biết trước mắt Liêm đã mất vợ con (anh và vợ chia tay nhau cách đây một năm!) và mất đi hình ảnh tốt đẹp trong mắt bạn bè, người thân. Giờ đây anh sống chung với người phụ nữ bán hàng đa cấp, cả hai cùng chung giấc mộng làm giàu nhanh, cùng… say tiền.

Không ai biết có bao nhiêu trường hợp như Liêm trong xã hội, nhưng tôi nghĩ chắc nhiều vì cuộc sống dường như ngày một khó khăn, kiếm tiền vất vả, mà nhu cầu của con người ngày càng nhiều. Như thế, có lẽ giải pháp lừa gạt nhau để làm giàu được không ít người lựa chọn.

Sau nhiều cuộc hẹn, cuối tuần qua Lan mới cho tôi gặp mặt. Cách đây hai năm, em là sinh viên năm thứ hai ngành tiếp thị của một trường đại học. Từ Nha Trang vào học, Lan lanh lợi, hoạt bát, với ước mơ học xong kiếm việc làm ổn định tại thành phố để đón em vào học chung. Vì thế Lan không từ chối bất kỳ công việc nào để kiếm tiền. Rồi Lan quen một phụ nữ bán hàng đa cấp, người này giới thiệu em kinh doanh các mặt hàng thực phẩm chức năng với hứa hẹn giàu nhanh.

Nhưng giàu đâu không thấy, chỉ sau ba tháng kinh doanh, Lan đã lâm cảnh nợ nần gần 20 triệu đồng, chưa kể còn mang tiếng lừa gạt bạn bè, người thân vì giới thiệu họ mua những sản phẩm tầm phào với giá cao ngất trời. Để có tiền trả nợ, Lan chọn giải pháp nghỉ học để đi làm. Em tâm sự: “Em đã sai khi mơ ước làm giàu nhanh. May mà em kịp nhận ra, bởi em nghe nói có nhiều người phải trốn nợ, tan nát nhà cửa vì kinh doanh đa cấp thực phẩm chức năng”.

Khi say ai cũng chếnh choáng với những giấc mơ xa rời thực tế. Nhưng có ai say mãi đâu, rồi đến lúc họ cũng phải trở về với hiện thực. Khi đó hiện thực thường phủ phàng gấp nhiều lần hiện thực trước đây. Say tiền cũng thế!

Theo Châu Giang (TGTT)