'Thần dược Vision' thực chất chỉ là trò lừa đảo: Vision chưa bao giờ là... thuốc.

Trong số báo ra ngày 15.7, chúng tôi đã đề cập đến những quyết định trái ngược  liên quan đến sản phẩm Vision của hai Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (QLCLVSATTP) và Cục Quản lý dược (QLD). Cục thì bảo không phải là thuốc, không được nhập; Cục thì cho nhập vì cho rằng đó là thực phẩm. Ngành hải quan lúng túng, còn người tiêu dùng thì hoang mang không biết sản phẩm đó như thế nào? Vậy thực chất "Thần dược Vision" là gì? Sáng 17.7, PV Báo Lao Động đã làm việc với đại diện hai Cục QLD và  QLCLVSATTP để làm rõ vấn đề này. 


Cục QLD: Sản phẩm Vision không phải là thuốc chữa bệnh

- Ông Nguyễn Văn Tựu - Phó Cục trưởng Cục QLD khẳng định: "Từ khi Vision được đưa vào tiêu thụ lậu ở Việt Nam, chúng tôi cũng đã nhận được rất nhiều thắc mắc của người dân về các sản phẩm này. Trên thực tế, Cục QLD chưa bao giờ nhận được hồ sơ xin cấp phép cho các sản phẩm Vision. Sau đó, Cục Hải quan Hà Nội có văn bản gửi từ ngày 24.5.2000 đề nghị xác minh một số thuốc tân dược tạm giữ, trong đó có sản phẩm của Vision. Chúng tôi khẳng định: "Các sản phẩm Vision vẫn được mạng lưới bán hàng quảng cáo là "thuốc" mặc dù chưa hề được cấp số đăng ký và chưa được Cục QLD cấp giấy phép lưu hành. Mọi hoạt động  kinh doanh, tiếp thị thuốc Vision đều là bất hợp pháp".

Và gần đây, một lần nữa, phúc đáp công văn của Tổng cục Hải quan  về việc xử lý thuốc Vision nhập khẩu, căn cứ vào quy chế hiện hành và xem xét một số "thuốc" mang nhãn hiệu Vision, chúng tôi đã ra thông báo: "Tạm thời không cho nhập khẩu và lưu hành các loại "thuốc" mang nhãn hiệu Vision tại Việt Nam. Các "thuốc" mang nhãn hiệu Vision được nhập khẩu từ Nga là những "thuốc" không có các tài liệu nghiên cứu của nhà sản xuất, chưa xác định được thành phần thực của thuốc với công thức ghi trên nhãn, không có căn cứ để đánh giá tác dụng, độc tính cùng mức độ an toàn cũng như hiệu quả điều trị của thuốc".

Theo quy định trong khoản 3.II  của Thông tư 20/2001/TT-BYT, những sản phẩm chưa xác định rõ là thuốc hay thực phẩm thì Cục QLD phối hợp với Cục QLCLVSATTP và Vụ  Y học cổ truyền xem xét giải quyết. Đối với trường hợp của Vision, việc này đã được giải quyết như thế nào?

- Ba cơ quan quản lý của Bộ Y tế sẽ tổ chức xem xét, giải quyết vấn đề này, nếu như đại diện tập đoàn đề nghị. Nhưng cũng như đã khẳng định, chúng tôi không nhận được bất cứ hồ sơ xin phép nào từ phía tập đoàn hay Cty đại diện của Vision.

Cục QLCLVSATTP: Công nhận 20 loại thực phẩm bổ dưỡng 

Trong công văn số 287/QLTP-ĐK ngày 23.4.2002 gửi Cục Hải quan Hà Nội, Cục QLCLVSATTP thông báo các sản phẩm của Vision được phép nhập và lưu hành tại Việt Nam. Vì sao Cục QLCLVSATTP lại có quyết định trái ngược với Cục QLD về cùng vấn đề này?

 - Ông Trần Đáng - Phó Cục trưởng Cục QLCLVSATTPTrong những công văn gửi các cơ quan chức năng liên quan về vấn đề Vision, chúng tôi chỉ đề cập đến 20 sản phẩm đã công bố chất lượng sản phẩm.  Còn , công văn của Cục QLD  đề cập đến những sản phẩm khác, chưa được công nhận. Do đó, quyết định của hai Cục không có gì là mâu thuẫn hay trái ngược.

 Nhưng vì sao chỉ có 20 loại sản phẩm của Vision được Cục QLCLVSATTP công nhận? 

- Từ năm 2001, Cục QLCLVSATTP đã nhận được hồ sơ do Công ty dược Đông Nam AÁ, thay mặt cho Tập đoàn Vision International People Group xin cấp phép cho các sản phẩm Vision từ năm 2001. Nhưng căn cứ vào thông tư 20/2001/TT-BYT hướng dẫn quản lý các sản phẩm thuốc - thực phẩm,  chúng tôi thấy chỉ có 20 sản phẩm đáp ứng tương đối đầy đủ các yêu cầu. Do đó, Cục chỉ cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng , vệ sinh an toàn thực phẩm và chịu trách nhiệm quản lý cho 20 sản phẩm mang nhãn hiệu Vision. Cụ thể là các loại thực phẩm bổ sung dạng viên nhộng có tên: Beauty, Stalon, Antiox, Hiper, Repen, Norita, Lifepacjunior, Artum, Mega, Ursul, Lamin, Medisoya, Pasilat, Beast, Chromevital, Lifepack, Cupers, Sveltform, Mistik, Pax.  Khi nhập khẩu và lưu hành trên thị trường, các sản phẩm này phải có nhãn phụ và ghi rõ khuyến cáo "Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng chữa bệnh". Điều quan trọng là các sản phẩm này không được phép bán trong các nhà thuốc để lợi dụng nhập nhằng với thuốc chữa bệnh. Theo tôi, ngoài 20 sản phẩm nói trên,  các sản phẩm khác đều không được coi là thuốc hay thực phẩm, hiện tại chưa được phép nhập khẩu và bị cấm lưu hành. 

LTS: Như vậy , bản chất các sản phẩm của Vision đã được cơ quan chức năng làm rõ. Những lời quảng cáo về tác dụng chữa bệnh như "thần dược" của Vision (mà Báo Lao Động  đã đề cập trong loạt bài trước đây)- trong đó có cả việc chữa được những căn bệnh nan giải mà y học còn đang bó tay như ung thư, cai nghiện ma tuý- chỉ là trò bịp bợm, lừa đảo. Là thảo dược, chỉ là những thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, hiệu quả của Vision cũng chỉ có tác dụng đúng như bản chất của nó mà cơ quan y tế đã cấp phép: Thực phẩm bổ dưỡng. Chỉ với tác dụng này, chắc hẳn công dụng của Vision không thể xứng đáng với giá bán quá cao, tới hàng trăm USD/lọ trên thị trường Việt Nam. Và như vậy cũng dễ dàng hiểu ra rằng, những khoản hoa hồng hấp dẫn từ giá bán cắt cổ các bộ sản phẩm được trả cho những nhân viên trong mạng cũng xuất phát từ chính sách "mỡ nó rán nó", không thể  làm lợi cho người tiêu dùng Việt Nam, nếu như không nói là đã "móc túi" người tiêu dùng bằng những trò lừa đảo. Hiện nay Vision vẫn đang được nhập về Việt Nam theo nhiều đường như hàng xách tay, nhập lậu... và vẫn được bán lén lút theo kiểu "truyền miệng", "rỉ tai" hay "kinh doanh qua mạng". Tuy nhiên qua vụ việc này, chân tướng lừa đảo của "Đại gia đình Vision" núp danh "Thần dược" đã bị lộ rõ; chắc chắn người tiêu dùng sẽ không còn bị những cú lừa mà "tiền mất tật vẫn mang".

Huy Hà - Nguyễn Hằng/ Báo Lao Động ngày 18.07.2002